Monday, May 21, 2018

  
SỞ GD&ĐT BẮC GIANG
TRƯỜNG THPT NGÔ SĨ LIÊN
 


(Đề thi gồm có 02  trang)
ĐỀ THI THỬ KỲ THI THPT QUỐC GIA LẦN 2
 NĂM HỌC 2016 - 2017
                 Bài thi: NGỮ VĂN 12
                   Thời gian làm bài: 120 phút
                 ( Không kể thời gian phát đề)

Phần 1- ĐỌC HIỂU( 3 điểm)
          Đọc bài thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:
NƠI DỰA
           Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?
           Khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào...
           Đứa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứi ném về phía trước,
bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ.
            Và cái miệng nhỏ líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.
            Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống.
*         *
*
            Người chiến sĩ nào đã đỡ bà cụ trên đường kia?
            Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết.
            Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh, bước từng bước run rẩy.
            Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.
             Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách.
                     (Trích Nguyễn Đình Thi, Tia nắng - NXBVH, Hà nội, 1983)
Câu 1. Xác định phương pháp biểu đạt chính? ( 0.5 điểm)
Câu 2. Giải thích nhan đề " Nơi dựa" của bài thơ? ( 0.5 điểm)
Câu 3. Hai phần của bài thơ có gì giống nhau? ( 1.0 điểm)
Câu 4: Các hình ảnh "em bé" "bà cụ" gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về "nơi dựa" của con người trong cuộc sống? (1,0 điểm)
Phần 2- LÀM VĂN ( 7 điểm )
Câu 1: Nghị luận xã hội ( 2,0  điểm)
      Hãy viết một đoạn văn khoảng (200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về tầm quan trọng của "nơi dựa" trong cuộc sống của mỗi người?
Câu 2: Nghị luận văn học (5,,0 điểm)
       Những cảm nhận và thể hiện mới mẻ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm
về Đất Nước trong đoạn thơ sau:
                             “ Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
                                Đất Nước có trong cái “ngày xửa ngày xưa…”
                                                                                          mẹ thường hay kể.
                                Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
                                Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
                                Tóc mẹ thì bới sau đầu
                                Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
                                Cái kèo, cái cột thành tên
                                Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
                                Đất Nước có từ ngày đó…”
      ( Trích bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm – SGK Ngữ Văn 12 )
                                  
----------- Hết --------------

     Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

       Họ,tên thí sinh………………………. ….Số báo danh……………… 
















                             ĐỊNH HƯỚNG CHẤM   THI MÔN NGỮ VĂN  12
              KỲ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN 2 – Năm học 2016-2017


Phần

Nội  dung

Điểm
Phần
I


Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

0.5

Câu 2. Nhan đề “Nơi dựa”: chỗ (nơi, vị trí,người, vật) để ta tựa vào nhằm có thêm sức mạnh  (cả vật chất và tinh thần). Nơi dựa trong bài thơ là nơi dựa về mặt tinh thần, tình cảm của mỗi con người.
0.5
Câu 3. Hai phần của bài thơ có cách cấu trúc và hình tượng tương tự nhau.
Cụ thể là: số lượng câu thơ mỗi phần như nhau và mỗi  phần đều có hai hình tượng nghệ thuật cùng làm nổi bật chủ đề bài thơ.
1.0


Câu 4. -  Học sinh trả lời theo cách riêng của mình, lập luận càn chặt chẽ, có sức thuyết phục.
            -  Hs có thể trả lời theo hướng sau: Hình ảnh em bébà cụ cho thấy trong cuộc sống, nhiều khi “nơi dựa” vững chắc cho mỗi người không phải là những người trẻ, khoẻ về sức lực, đầy đủ về vật chất…mà lại chính là những người có vẻ yếu đuối, bé nhỏ, mong manh (như em nhỏ, người già…). “Nơi dựa” thực sự của mỗi người chính là nơi chúng ta tìm thấy sự bình tâm, niềm tin tưởng, sự bình yên…để vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.




1.0
Phần II

  Câu 1:  NGHỊ LUẬN XÃ HỘI.
             Hãy viết một đoạn văn khoảng (200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về tầm quan trọng của "Nơi dựa" trong cuộc sống của mỗi người?
2.0
* Yêu cầu:
   1-  Hình thức:  Đảm bảo cấu trúc của đoạn văn dài khoảng 200 chữ, theo một trong các cách: diễn dịch, quy nạp, hoặc tổng phân hợp…Sử dụng một số thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ có lí lẽ và và dẫn chứng hợp lí, thuyết phục; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ,đặt câu để trình bày được suy nghĩ riêng của mình về tầm quan trọng của “Nơi dựa” trong cuộc sống hàng ngày.
  2- Nội dung: Hs được tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
  Viết đoạn văn  có nội dung triển khai theo các hướng  sau:
 - Nếu lập luận theo hướng khẳng định tầm quan trọng (mặt phải, mặt tiêu cực) của nơi dựa cần nhấn mạnh và làm rõ:
     +  Giải thích Nơi dựa là gì?
     + Tại sao trong cuộc sống, mỗi người đều cần đến nơi dựa, nhất là chỗ dựa về tinh thần? ( Vai trò, tầm quan trọng của nơi dựa trong cuộc sống mỗi con người, để khỏi chơi vơi, chông chênh, mất thăng bằng khi gặp những khó khăn, thử thách, thất bại trong cuộc sống.
  - Nếu lập luận theo hướng phủ định (chỉ ra mặt trái, mặt tiêu cực), cần nhấn mạnh và làm rõ ý:
     + Mỗi người phải biết tự lực, tự đứng vững trên đôi chân của mình không nên dưạ dẫm, ỷ lại vào người khác.
     + Nếu quá nương tựa, dựa dẫm vào ai đó thì sẽ bị phụ thuộc, bị mất đi tính chủ động,  ý chí vươn lên và sẽ sinh ra lười biếng, thụ động, sẽ khó đạt được thành công…
   - Nếu lập luận theo hướng  vừa khẳng định vừa phủ định tầm quan trọng của Nơi dựa thì cần kết hợp cả hai nội dung trên.


Câu 2: NGHỊ LUẬN VĂN HỌC
5.0
* Yêu cầu về kĩ năng:
    - Nắm vững phương pháp làm bài văn nghị luận văn học.
    - Bố cục hợp lý, lập luận chặt chẽ, chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp.

* Yêu cầu về kiến thức:
 - Trên cơ sở  nắm vững kiến thức về Nguyễn Khoa Điềm và bài thơ Đất Nước cần: Xác định đúng luận đề, xác lập luận điểm, luận cứ.
  - Bài viết có thể sáng tạo trong cách diễn đạt, trình bày ý, mỗi ý đưa ra cần có trích dẫn cụ thể bằng những câu thơ trong văn bản .

 Mở bài:
    Giới thiệu những nét chính về tác giả Nguyễn Khoa Điềm, chủ đề tác phẩm.
     Dẫn dắt vấn đề nghị luận
0.5
  Thân bài:  
     - So sánh một cách khái quát cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm và các nhà thơ khác khi miêu tả hình ảnh Đất Nước:
          + Các nhà thơ khác  thường tạo ra khoảng cách sử thi thiêng liêng, tôn kính để cảm nhận và miêu tả Đất Nước qua những hình ảnh lớn lao, kì vĩ, tráng lệ: (dẫn chứng)
          + Trong đoạn đầu, Nguyễn Khoa Điềm đã đưa đến một cách cảm nhận vừa mới mẻ, vừa thấm thía, xúc động về đất nước trong mối quan hệ với cuộc sống nhân dân. Đất Nước hiện lên qua những ảnh cụ thể, bình dị, thân thương trong cuộc sống hàng ngày.
    - Những cảm nhận mới mẻ của nhà thơ trong đoạn thơ: Đất Nước được cảm nhận từ chiều sâu lịch sử, gắn liền với phong tục tập quán, văn hóa lâu đời của dân tộc.
        +  Câu thơ mở đầu nhà thơ đã đưa đến một cảm nhận ấm áp về sự hiện hữu lâu bền, vĩnh hằng của đất nước. Đất nước được tạo dựng, bồi đắp qua nhiều thế hệ, được truyền nối từ đời này sang đời khác. Câu thơ thể hiện niềm tự hào mãnh liệt về sự trường tồn của đất nước qua mấy ngàn năm lịch sử.
        +  Hai câu thơ tiếp nhà thơ diễn tả vẻ đẹp của Đất Nước trong chiều sâu văn hóa dân tộc. Đất Nước có từ lâu đời, có trong những câu chuyện cổ xa xưa của bà, của mẹ. Đất Nước còn gắn liền với phong tục ăn trầu – một nét sống giản dị nhưng đậm đà văn hóa của Người dân Việt Nam.
       + Câu thơ tiếp theo, hình ảnh đất Nước hiện lên gắn liền với truyền thống quí báu đánh giặc giữ nước của dân ta. Truyền thống vẻ vang ấy đã theo suốt chặng đường dài lịch sử dân tộc, để đến hôm nay trong thời đại chống Mỹ bao tấm gương tuổi trẻ đã anh dũng hy sinh bảo vệ quê hương, đất nước.
        + Bốn câu thơ tiếp theo, hình ảnh đất Nước hiện lên gắn liền với phong tục tập quán con người Việt Nam. Đó là vẻ đẹp giản dị của những người phụ nữ Việt Nam với phong tục búi tóc sau đầu gợi vẻ đẹp nữ tính thuần hậu. Đất Nước còn gắn liền với đạo lý ân nghĩa thủy chung đã trở thành truyền thống ngàn đời của dân tộc. Đất Nước còn hiện lên từ lịch sử xa xưa với phong tục làm nhà cổ của người Việt. Để từ đó tục đặt tên con cái kèo, cái cột cũng ra đời. Đất Nước còn hiện lên với truyền thống  lao động cần cù chịu thương, chịu khó của cha ông ta trong những ngày long đong, lận đận của đời sống nông nghiệp.
          + Câu thơ cuối cùng khép lại một câu khẳng định với niềm tự hào về đất Nước. Đất nước có từ ngày nào ta không rõ, nhưng chắc chắn đó là ngày ta có truyền thống, có phong tục tập quán, có văn hóa là có đất Nước.
- Đánh giá: Qua những cảm nhận có vẻ như tản mạn, tùy hứng của cuộc trò chuyện tâm tình, qua những hình ảnh gợi nhắc tới ca dao, thần thoại, cổ tích…nhà thơ đã đưa người đọc đến một nhận thức giản dị mà sâu sắc thấm thía: Đất Nước có một lịch sử lâu đời, Đất Nước là những gì gần gũi, thân yêu luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân. Đất Nước làm nên cuộc sống Nhân dân.
- Nghệ thuật: Đoạn thơ đã vận dụng khéo léo chất liệu văn hóa dân gian. Tất cả làm lên một đoạn thơ đậm đà không gian văn hóa người Việt. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, lời thơ nhẹ nhàng, thủ thì, tâm tình nhưng vẫn mang đậm hồn thơ triết lý.

0,25








3,0

























0.25





0.25
  Kết bài: Khẳng định lại vấn đề đã được phân tích. Đánh giá vị trí của tác phẩm trong văn học nước nhà. Liên hệ bản thân
0.5

Lưu ý chung:       

  1. Đây là đáp án mở, thang điểm không quy định điểm chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của các phần hình thức, nội dung lớn nhất thiết cần phải có.
  2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ yêu cầu về hình thức và nội dung,, đồng thời phải triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
  3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án, nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
      4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung  chung, sáo rỗng. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.









                                                                         Hết


           









Tuesday, April 10, 2018

THỀ NGUYỀN


Câu 1: Nêu nhận xét về hàm nghĩa của các từ “vội”, “xăm xăm”, “băng”
Gợi ý trả lời:
–  Các từ “vội”, xăm xăm”, “băng” là các từ nhiều nghĩa. Chúng không chỉ diễn tả tâm trạng và tình cảm của Kiều mà còn thể hiện sự khẩn trương, vội vã, đột xuất bất ngờ ngay cả với chính nàng.
–  Việc sử dụng các cụm từ miêu tả như vậy chứng tỏ rằng hoàn cảnh lúc bấy giờ khiến Kiều phải tranh thủ thời gian. Nàng lo lắng, sợ cha mẹ sẽ quở trách về hành động chưa được phép này. Nhất là trong quan niệm của con người thời trung đại, tình yêu chưa có sự chấp thuận của cha mẹ hai bên là điều không thể chấp nhận được. Nhưng cũng qua hành động đó, điều nổi bật hơn cả là minh chứng cho việc Kiều đã nghe theo tiếng gọi của trái tim mình, tự tìm kiếm hạnh phúc với chàng Kim.

Câu 2: Không gian thơ mộng và thiêng liêng của cuộc thề nguyền được Nguyễn Du miêu tả như thế nào ?
Gợi ý trả lời:
Không gian thơ mộng và thiêng liêng của cuộc thề nguyền được Nguyễn Du miêu tả rất chi tiết:
–  Không gian, thời gian và địa điểm của cuộc thề nguyền rất đẹp và thơ mộng: đêm trăng, giữa vườn hoa yên tĩnh, Kim đang thiu thiu ngủ, mơ màng dưới ánh trăng, ngọn đèn hiu hắt, có tiếng bước nhẹ của người trong mộng đến gần, chàng còn chưa tin hẳn vào mắt mình trước sự xuất hiện đường đột của Kiều. Cả hai như lạc vào cõi mơ giũa đất trời bao la. Hai mái đầu xanh cùng ngước lên trời cao, có vầng trăng vằng vặc giữa trời chứng giám lời thề gắn bó keo sơn của họ, chứng giám tình yêu tự nguyện và sự chung thuỷ, thiêng liêng sâu nặng của họ.
–  Cảnh thề nguyền của hai người diễn ra trang trọng và thiêng liêng với đủ các hình thức lễ nghi:
+  Mùi thơm hương trầm
+  Ánh sáng nến hòa với ánh trăng ấm áp.
+  Vầng trăng vằng vặc là thiên nhiên to lớn, vĩnh hằng chứng giám cho tình yêu thiêng liêng của họ.
+  Tờ giấy ghi lời thề
+  Trao kỉ vật là mớ tóc mây.

Câu 3: Liên hệ với trích đoạn “Trao duyên” để chỉ ra tính chất logic nhất quán trong quan niệm về tình yêu của Kiều.
Gợi ý trả lời:
–  Ta có thể thấy mối liên hệ giữa trích đoạn này và đoạn trích “Trao duyên” đã học trước đó: Có cuộc thề nguyền này thì mới có những kỉ vật được đưa gửi trong đoạn trích Trao duyên. Cậy nhờ Thuý Vân cũng là một cách để Thuý Kiều đền đáp, thuỷ chung với tình yêu của Kim Trọng. Điều đó chứng tỏ Kiều chân thành và tôn thờ tình yêu của mình với Kim Trọng. Đó là một tình yêu cao đẹp Kiều gìn giữ suốt đời. Nàng dám nghĩ, dám sống vì tình yêu, và cũng dám hi sinh vì tình yêu
–  Thông qua tình yêu cao đẹp của Thuý Kiều – Kim Trọng, Nguyễn Du thể hiện tư tưởng nhân đạo: yêu thương, trân trọng khát vọng hạnh phúc của con người – đặc biệt là người phụ nữ tài sắc phải sống trong xã hội phong kiến thối nát bất công. Điều đó cho thấy quan niệm tình yêu của Nguyễn Du là một quan niệm rất mới, rất tiến bộ trong văn học trung đại. Cũng qua đó, tác giả góp phần khẳng định niềm tin của con người, đặc biệt là người phụ nữ vào tình yêu thủy chung, son sắt.

Monday, March 26, 2018

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI - Ngữ văn lớp 9-


ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI
 NĂM HỌC 2014 – 2015
Môn: Ngữ văn lớp 9- Lần 2
Thời gian làm bài: 150 phút
(Không kể thời gian giao đề)


Câu 1 (3,0 điểm):
Phân tích giá trị biểu đạt của ngôn ngữ và  các biện pháp tu từ hiệu trong đoạn thơ sau:
                           “ Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa
                             Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa
                             Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh
                             Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.”
                                                  (Đoàn Văn Cừ, Chợ tết )


Câu 2 (5,0 điểm):
Nhận xét về vai trò của chi tiết nghệ thuật trong truyện, có ý kiến cho rằng: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn". Chi tiết vết thẹo trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng  đã thể hiện rõ điều đó.
Em hãy trình bày hiểu biết của em về vấn đề trên.
Câu 3 (12 điểm):
Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài…
                                           (Hoài Thanh, Ý nghĩa văn chương,
                          SGK Ngữ văn 7, T2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, Tr.60)
          Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương (Trích Truyền kỳ mạn lục) của Nguyễn Dữ và đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Trích Truyện Kiều) của Nguyễn Du.


Hết

Họ và tên thí sinh: ……………………… Số báo danh: ……………..





HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI
 MÔN NGỮ VĂN 9

I. Hướng dẫn chung
1. Giám khảo cần nắm vững yêu cầu chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm một cách máy móc, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm.
          2. Cần khuyến khích những bài làm có tính sáng tạo, nội dung bài viết có thể không trùng với yêu cầu trong đáp án nhưng lập luận thuyết phục, văn phong sáng rõ,...
          3. Việc chi tiết hóa điểm số của các ý (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi phần và được thống nhất trong Hội đồng chấm thi.
          4. Điểm toàn bài tính lẻ đến 0,5 điểm.
    II. Đáp án và thang điểm:
Câu 1: (3,0 điểm )
1.1.Yêu cầu chung:
- Học sinh viết thành đoạn văn ( hoặc bài văn ngắn).
- Phát hiện và phân tích được hiệu quả của các biện pháp tu từ trong đoạn thơ.
1.2.Yêu cầu cụ thể:
Giới thiệu: bốn câu thơ của Đoàn Văn Cừ trong bài thơ Chợ tết: miêu tả bức tranh thiên nhiên vùng đồi núi trung du khi tết đến, xuân về với các biện pháp nghệ thuật đặc sắc.                                                                                               ( 0,5 điểm)
- Chỉ ra và phân tích giá trị biểu đạt của ngôn ngữ và  các biện pháp tu từ: ( 2 điểm)
+ Biện pháp so sánh: “ Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa”: Hình ảnh giọt sương “ rỏ” xuống được so sánh như “ giọt sữa”.  Gợi dáng vẻ, sự ngọt ngào, thơm mát, tinh khiết… của giọt sương ban mai.                                              ( 0,75 điểm)
+ Biện pháp nhân hoá: Tia nắng “nháy” , “ núi uốn mình” , trong chiếc “ áo the xanh”, “ đồi thoa son” –“ nằm”: Cảnh vật vô tri trở nên sống động như con người: tia nắng như đứa trẻ tinh nghịch, reo vui, núi đồi như cô thiếu nữ đang trang điểm, làm duyên làm dáng  muốn hoà vào dòng người  đi chợ tết.             ( 0,75 điểm)
+ Ẩn dụ: “chiếc áo the xanh” : ngầm thể hiện sắc màu của cỏ cây hoa lá mọc trên núi, gợi sức sống tràn trề của mùa xuân.                                        ( 0,25 điểm)
+ Từ ngữ giàu hình ảnh, các tính từ chỉ màu sắc: trắng, tía, xanh, đỏ ( son), hồng
 ( bình minh) và các động từ nháy, uốn, thoa, nằm…: Góp phần tạo nên một bức tranh rộn rịp những hình sắc tươi vui.                                             ( 0,25 điểm)
                                                                                                         
 - Các biện pháp nghệ thuật đã tạo nên bức tranh sinh động, tươi tắn, có hồn và rực rỡ đầy sức sống của thiên nhiên, gợi được cả cái náo nức, vui vẻ của thiên nhiên trong buổi sáng mùa xuân tươi đẹp. Đoạn thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước tha thiết của nhà thơ…                                            ( 0,5 điểm).
Câu 2. (5,0 điểm):
1. Yêu cầu
1.1. Về hình thức:
    Thí sinh có thể viết thành đoạn văn hoặc bài văn nghị luận văn học ngắn, diễn đạt lưu loát,  không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả.
1.2. Về nội dung:
 Bài viết có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng cơ bản nêu được các ý sau:
 1.2.1. Nêu đ­ược vai trò của chi tiết nghệ thuật trong truyện:                                     
- Chi tiết là một trong những yếu tố nhỏ nhất tạo nên tác phẩm; để làm nên một chi tiết nhỏ có giá trị đòi hỏi nhà văn phải có sự thăng hoa về cảm hứng và tài năng nghệ thuật.
- Nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù: Tầm vóc của ngư­ời nghệ sỹ có thể đư­ợc làm nên từ những yếu tố nhỏ nhất. Nhà văn lớn có khả năng sáng tạo đư­ợc những chi tiết nhỏ nh­ưng giàu giá trị biểu đạt, góp phần đắc lực trong việc thể hiện chủ đề t­ư t­ưởng của tác phẩm.
 1.2.2. Đánh giá giá trị của chi tiết “vết thẹo” trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.                                                                                                        
   a. Giá trị nghệ thuật:                                                                                    
- Tạo sự hoàn chỉnh, chặt chẽ cho cốt truyện: Vết thẹo trên mặt ông Sáu là chi tiết nghệ thuật đặc sắc, nối kết các tình tiết trong truyện,  tạo nên nghệ thuật thắt nút, mở nút bất ngờ, hợp lý:
     + Ông Sáu trở về gia đình gặp con vì vết thẹo mà bé Thu không  nhận cha.
     + Nhờ vết thẹo mà khi bà giải thích Thu hiểu cha và hối hận.
     + Thu nhận cha, yêu cha, yêu vết thẹo, không muốn chia tay cha.
- Tạo kịch tính, tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm.
   b. Giá trị nội dung: Chi tiết nhỏ nhưng góp phần thể hiện nội dung truyện.
 - Vết thẹo là chứng tích của chiến tranh, chiến tranh đã gây ra nỗi đau về thể xác và tinh thần cho con người, đã chia cắt nhiều gia đình.
-  Chứng tỏ chiến tranh có thể hủy diệt tất cả nhưng không thể hủy diệt được tình cảm con người: cụ thể tình cha con.
- Làm rõ nét vẻ đẹp của các nhân vật:
      + Ông Sáu yêu nước, dũng cảm,dám chấp nhận hi sinh.
      + Bé Thu có cá tính mạnh mẽ, có tình yêu thương cha sâu sắc, mãnh liệt.

Câu 3. (12,0 điểm):
1.Yêu cầu về kĩ năng:
- HS có kĩ năng làm bài nghị luận văn học tổng hợp, biết kết hợp các phép lập luận như giải thích, phân tích, chứng minh...
- Hiểu đúng và hướng trúng vào vấn đề mà đề bài yêu cầu: giá trị nhân đạo trong tác phẩm văn chương.
- Biết lựa chọn dẫn chứng, phân tích và bình dẫn chứng sao cho làm sáng rõ vấn đề.
- Biết kết hợp với liên hệ, mở rộng để trình bày vấn đề một cách thấu đáo, toàn diện.
- Văn viết có cảm xúc, diễn đạt lưu loát, trôi chảy; biết dùng từ, đặt câu chuẩn xác, gợi cảm.
- Bố cục bài phải hoàn chỉnh, chặt chẽ.
2.Yêu cầu về nội dung kiến thức:
a. Giới thiệu vấn đề nghị luận (1,0 điểm)
- Vấn đề trung tâm của văn chương là vấn đề con người và nguồn gốc cốt yếu của văn chương chính là lòng thương người.
- Lòng thương người hay nói rộng ra là giá trị nhân đạo là phẩm chất cốt lõi, là tiêu chuẩn cho một tác phẩm văn học chân chính.
b. Giải thích ý kiến (3,0 điểm)
- Hoài Thanh đã đưa ra vấn đề quan trọng, được coi là nguồn gốc cốt yếu của văn chương: lòng thương người mà rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài.
+ Văn chương: chỉ các tác phẩm thơ văn. Đối tượng phản ánh của tác phẩm văn chương là con người và vạn vật. Nhà văn sáng tác tác phẩm, một mặt phản ánh hiện thực, mặt khác bày tỏ tình cảm với con người và vạn vật. Tác phẩm là tiếng nói của tâm hồn, cảm xúc  của người sáng tác, được hình thành, nảy nở từ tình cảm của tác giả đối với cuộc sống, con người, quan trọng nhất là tình  thương.
+Tình thương người, thương cả muôn vật, muôn loài: là lòng nhân ái – một tình cảm rộng lớn, cao cả, mang tầm nhân loại. Tình cảm ấy không chỉ là cội nguồn của văn chương mà còn là thước đo giá trị của tác phẩm văn chương chân chính. Đó chính là giá trị nhân đạo, là những ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm.
+ Nói đến giá trị nhân đạo, đến ý nghĩa nhân văn là nói đến vấn đề con người, vấn đề nhân sinh đặt ra trong tác phẩm. Ở đó, con người luôn được đặt ở vị trí hàng đầu, trong mối quan tâm thường trực của các nhà văn.
Ý kiến của Hoài Thanh là một nhận định về giá trị tư tưởng của tác phẩm văn chương, khẳng định nguồn gốc cốt yếu của các tác phẩm văn chương chính là giá trị nhân đạo.
+ Biểu hiện của giá trị nhân đạo trong tác phẩm rất đa dạng song thường tập trung vào những mặt cụ thể sau: lòng thương yêu, sự cảm thông, xót xa trước những hoàn cảnh, những số phận bất hạnh; lên án, tố cáo các thế lực tàn bạo chà đạp lên quyền sống của con người; ngợi ca, đề cao những vẻ đẹp, phẩm giá cao quý; trân trọng, nâng niu khát vọng sống, khát vọng tình yêu và hạnh phúc của con người.
Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ và đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Truyện Kiều) của Nguyễn Du là minh chứng rõ nhất cho quan điểm: nguồn gốc cốt yếu của văn chương chính là lòng thương người.
c. Giá trị nhân đạo qua tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương và đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (7,0 điểm)
- Tấm lòng yêu thương, đồng cảm, xót xa cho những số phận người phụ nữ tài sắc mà bất hạnh, gặp nhiều bi kịch trong cuộc đời: số phận của Kiểu bị ném vào nhà chứa, rồi giam lỏng trong lầu Ngưng Bích với nỗi cô đơn, buồn tủi, thương thân, xót phận; là tình cảnh oan khiên nghiệt ngã của Vũ Nương, đến mức nàng phải dùng cái chết để chứng tỏ tấm lòng trong trắng, tiết hạnh của mình.   (2, 5 điểm)
- Qua bi kịch thân phận của Kiều và Vũ Nương, cả hai nhà văn gián tiếp lên án, tố cáo xã hội phong kiến bất công, tàn bạo đã tước đi quyền sống, chà đạp lên con người. Đó là chiến tranh phi nghĩa, là chế độ nam quyền (Chuyện người con gái Nam Xương), là bọn quan lại tham lam, là lũ buôn thịt bán người dồn đẩy con người vào cảnh ngộ đau thương(Truyện Kiều).                                    (1,0 điểm)
- Khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp, phẩm chất cao quý của người phụ nữ, dù cuộc đời của họ bất hạnh, khổ đau, oan trái, truân chuyên. Đó là lòng chung thủy, sự hiếu hạnh, giàu tình yêu thương, luôn sống vì người khác, nghĩ cho người khác của Kiều và Vũ Nương.                                                                                      (2,5 điểm)
- Trân trọng, đề cao những khát vọng nhân văn của người phụ nữ: khát vọng về tình yêu, hạnh phúc, về một mái ấm gia đình bình dị, sum vầy.          (1,0 điểm)
d. Đánh giá về ý kiến của Hoài Thanh (1,0 điểm)
- Ý kiến của Hoài Thanh về nguồn gốc, phẩm chất của văn chương là ý kiến đúng đắn, khoa học bởi nó đã nói lên đặc trưng, thuộc tính quan trọng nhất của văn học: Văn học là tiếng nói của tâm hồn, cảm xúc; văn học mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc “Văn học là nhân học” (M. Gorki).
- Tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương (Trích Truyền kỳ mạn lục) của Nguyễn Dữ và đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Trích Truyện Kiều) của Nguyễn Du đã thể hiện rõ nét quan niệm văn học của Hoài Thanh. Bởi cả hai đều là những tác phẩm mang giá trị nhân đạo cao cả, hướng tới con người, vì con người.


Lưu ý:
Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đạt được cả yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.
- Giáo viên cần linh hoạt trong khi chấm,có thể thưởng cho những bài viết sáng tạo phù hợp với yêu cầu của đề bài.